NHỮNG BẠN ĐÃ, ĐANG & SẼ VAY NỢ THÌ NÊN DÀNH THỜI GIAN ĐỌC BÀI NÀY NHÉ!

Nhân câu chuyện về công ty cầm đồ F88 bị công an điều tra, trước đó là Công ty Tài chính Mirae Asset, tôi bàn về vòng xoáy cho vay lãi suất cao.

Tóm tắt như sau:

Doanh nghiệp cho khách hàng "dưới chuẩn" vay lãi suất cao "hơn chuẩn"

---> khách hàng không trả được nợ

---> Doanh nghiệp đòi nợ theo kiểu "khác chuẩn".

Ngoài các ngân hàng cho vay với lãi suất "chuẩn", trên thị trường có các doanh nghiệp khác cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng khá nhiều. Đó là các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, công ty cầm đồ nhưng cũng cho vay, cụ thể là F88.

Trong bài này, tôi sẽ bàn nhanh về khách hàng, về lãi suất và vòng xoáy cho vay và đòi nợ.

** Về khách hàng:

Khách hàng mục tiêu của các công ty cho vay lãi suất cao là khách hàng dưới chuẩn. Đây là những khách hàng mà các ngân hàng "chê" không cho vay. Cũng vì điểm này mà nhân viên các công ty này "tự hào" rằng, không có tôi, thì các khách hàng dưới chuẩn này sẽ không thể vay ở nơi khác.

Tuy vậy, cũng có những khách hàng đủ chuẩn vay ngân hàng, nhưng lại không vay ngân hàng mà vay từ các công ty vì thủ tục công ty nhanh gọn, và có thể vì họ thiếu kiến thức về lãi suất, thiếu kiến thức về tài chính

Đặc biệt, cũng có những khách hàng “chuyên nghiệp”. Họ chủ động vay từ các công ty này và cố tình không trả nợ.

** Về lãi suất:

Vì khách hàng dưới chuẩn, nên tỷ lệ khách hàng không trả nợ đúng hẹn, tỷ lệ nợ xấu cao. Vì thể các công ty phải áp dụng lãi suất cao. Lãi suất thực bình quân ở mức 30% - 70%/năm, nói chung là dưới mức 100%/năm. Tuy vậy, cá biệt có một số công ty có mức lãi suất thực cao hơn 100%/năm, tức là cao hơn mức lãi suất cho vay nặng lãi theo khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. (Cho vay nặng lãi là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự: 20%/năm)

Tôi cũng xin giải thích rõ về cách tính lãi suất năm. Ví dụ như lãi suất tháng 7.5%, thì công ty cho vay và hầu hết mọi người, kể cả cơ quan chức năng, sẽ cho rằng lãi suất năm tương ứng là = 7.5%*12 = 90%/năm. Cách tính này không đúng.

Giả sử chúng ta vay 100 triệu. Nếu lãi suất đúng là 90%/năm thì cuối năm chúng ta sẽ trả 90 triệu tiền lãi và 100 triệu tiền gốc.

Nhưng nếu lãi suất 7.5%/tháng, thì mỗi tháng chúng ta phải trả 7.5 triệu, và cuối năm chúng ta phải trả 100 triệu tiền gốc. Trả theo tháng thì về mặt dòng tiền thì chúng ta bị thiệt hại rất nhiều.

Trong tài chính, công thức tính lãi suất thực năm là = (1+lãi suất tháng)^12 – 1

Trong trường hợp này lãi suất thực là = (1+7.5%)^12 – 1 = 138%/năm.

Chưa kể rất nhiều loại phí khác do các công ty này thiết kế nhằm tránh luật. Kết quả cuối cùng: lãi suất thực của các công ty này rất cao, vượt luật quy định.

Chính lãi suất cao này đã làm cho nhiều khách hàng không trả được nợ vay. Họ vay khi có nhu cầu, nhưng họ không đủ khả năng tạo ra thu nhập, hoặc có tài sản để trả lại gốc và số lãi sinh ra quá nhiều từ khoản vay này.

** Mô hình cho vay của các công ty này là rủi ro cao, lãi suất cao. Rủi ro cao sinh ra từ tỷ lệ nợ xấu của khách hàng dưới chuẩn, rủi ro từ việc thẩm định nhanh để cho vay nhanh tăng doanh số. Lãi suất cao là nhằm để bù lại rủi ro cao này.

Thế nhưng có thể vì rủi ro tăng lên, hoặc vì một số công ty quá tham lam, muốn lời nhiều hơn, nên không chấp nhận mất những nợ xấu. Họ sẽ tìm cách đòi nợ ráo riết, và họ có thể bán nợ qua cho công ty đòi nợ. Kết quả là họ không dùng luật nhân sự để kiện tụng, mà họ dùng cách đòi nợ “khác chuấn”, đòi nợ theo kiểu làm phiền người thân, bạn bè đồng nghiệp của người vay. Thậm chí đòi nợ theo kiểu giang hồ.

Đó là lý do tại sao công an điều tra Công ty Tài chính Mirae Asset, công ty cầm đồ F88…

** Để tránh khỏi nợ nần, chúng ta cần phải hiểu về quản lý tài chính cá nhân, hiểu về các loại vay (vay khẩn cấp, , vay để bù thu nhập, vay để tiêu dùng, vay để tạo đòn bẩy), hiểu về cách giảm vay, giảm nợ…

** PS: Bài này không đề cập đến các App cho vay online với lãi suất giết người: 70% - 80% trong 1 tuần. Tôi đã phân tích, nếu mượn 5 triệu mà không trả thì qua 1 năm, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng trả không được tiền lãi sinh ra. Vay 5 triệu, lãi suất 80%/tuần, số tuần 52. Tổng số tiền phải trả sau 1 năm sẽ là = 5 triệu* (1+80%)^52 = 94.002.687.418.114.800.000

Hiện nay có rất nhiều nạn nhân đang sống dở, chết dở vì các app này. Báo chí, mạng xã hội, bản thân tôi cũng đã viết khá nhiều bài về các app này nhưng tôi vẫn nhận được nhiều inbox từ các nạn nhân mới.

Các bạn ghi nhớ: tuyệt đối không bao giờ vay tiền trên App.

Nguồn: Chú Ba Tài Chính LMC


Xây dựng cộng đồng - Cùng hợp tác cùng phát triển